• Increase font size
  • Default font size
  • Decrease font size

DIỄN TIẾN TU HỌC

   
          Thưa các bạn !
Hôm nay chủ nhật cũng là ngày thiền chung của các    giới, bạn đạo Vô Vi chung hợp để học hỏi, phân giải, thích ứng theo chiều hướng tiến hoá của mọi tâm linh. Chúng ta đồng ở thế gian, qua bao nhiêu sự thử thách trong cuộc tu học của chúng ta. Nhiều người tu mới bước vào tu thấy nhóe sáng, mừng tưởng đâu tôi đắc và người cũng hiểu được đạo lý một phần, cũng nói tôi đắc, rồi có người lại biết được một chút đỉnh khía cạnh và để phê phán người khác chứ kỳ thật chưa đến đâu. Thật là chân lý vô cùng. Chân lý là sống động đường lối xây dựng do Thượng Ðế đã ân ban cho mọi tâm linh trong tâm thức họ rất rõ rệt. Vì mọi người không chịu giữ cái phần tâm thức mà giữ cái phần tranh chấp ở bên ngoài, mắt thấy tai nghe, luận đi xét lại rồi đâm ra tạo sự tăm tối cho chính mình mà thôi, chứ kỳ thật chúng ta phải giữ cái sự bình thản du dương như tôi đã thường nói, để tiến hóa. Khi ta lắng nghe một việc gì, chúng ta phải hướng thượng ngay tức khắc. Ðể hoá giải sự việc đó vì sự việc đó là sự việc quí báu vô cùng, không biết từ đâu đến, đang xây dựng cho chúng ta, chúng ta mừng được nghe, dù câu nói đó làm cho chúng ta buồn tủi, câu nói làm cho ta sân si, câu nói đó tạo thêm sự si mê nhưng mà chúng ta chịu lắng nghe thì chúng ta mới hoá giải những sự trần trược nó sẽ đến với chúng ta. Cho nên nhiều người thế gian lâm vào cảnh đụng chạm đó mà không hay, thành ra càng tu càng chậm tiến, càng tu thấy càng lùi bước. Vì sao? Vì cái bản chất cố chấp của chúng ta còn. Chúng ta phải nhìn nhận là sự cố chấp tăm tối này còn, thiếu hoà đồng, thiếu cởi mở thì không bao giờ tiến tới được. Cho nên chúng ta phải Hoà, chúng ta phải nhỏ hơn mọi người để chúng ta học, đừng cho chúng ta là hay hơn, chúng ta là cao hơn, chúng ta là dày công hơn, chúng ta là giỏi hơn, không có! Chúng ta đang học, đang được thanh lọc tùy theo chiều hướng tiến hoá sẵn có của chính mình mới thấy được tiền kiếp chúng ta tạo biết bao nhiêu tội, tạo biết bao nhiêu sự sai lầm mà ngay cả kiếp này chúng ta nhận nhiệm vụ xuống thế gian vẫn không chịu tiến hoá, rồi ở trong cái chấp mê, ở trong cái buồn hận. Ðó là chấp mê, đó là tăm tối, núp trong bóng tối không chịu công khai ra ngoài.
Cho nên chúng ta phải cố gắng bước ra đi, để học nữa, bước ra đi để tiến tới nữa. Cho nên đừng có sợ nắng, sợ mưa, đừng có sợ những nghịch cảnh. Nghịch cảnh là đem cho chúng ta càng ngày càng bình tâm. Nghịch cảnh là xây dựng dũng chí của chính mình chứ không phải nghịch cảnh là hại chúng ta đâu.

Cho nên những cái chuyện ở thế gian, Bề Trên đã chuyển cho chúng ta sống trong kích động, phản động là  dẫn tiến chúng ta chứ không phải chúng ta có quyền hạn gì đâu. Cho nên nhiều người còn chấp, còn tính mánh, còn ngu muội. Cho nên còn sử dụng cái tánh nóng mà tu hoài, tu hoài, tu tới làm thầy, tu tới làm đủ thứ hết, giáo chủ rồi rốt cuộc cũng phải qua một cuộc nhiệt độ vô cùng thử thách ở phủ Diêm quan mới tiến hóa lên được.
Cho nên mọi người tu nhiều khi thấy bực tức vô cùng, đó là đang đốt thiêu tâm hồn chúng ta. Người Vô Vi thì được đốt thiêu tại trận. Nhiều khi các bạn thấy bực tức vô cùng, nhưng đó là chấp nhận, không có la làng, không có oán trách. Nhiều người còn trách Trời Phật, rồi ngược lại  cũng đi cám ơn Trời Phật. Vô lý. Bởi vì chúng ta thấy việc làm mà chúng ta chưa làm,  chúng ta lại ca tụng Trời Phật. Cho nên tôi đâm ra sợ Trời Phật sao? Trời Phật ôm ấp chúng ta xây dựng chúng ta, chỉ cho chúng ta tiến mà thôi! Cho nên chúng ta tiến bằng ý chí, tiến bằng thể xác, tiến bằng hành động, mới chủ tọa được những sự sai lầm của chính mình, để mà sửa chửa, ăn năn trong cái cuộc hội hợp của vạn linh đồng nhất thể, chúng ta mới trở về cơ qui nhất thượng trung hạ đồng nhất mới trở về được.

Cho nên càng tu càng thấy sự sai lầm, đó là cái đại phước của mọi cá nhân. Nhiều người đã làm, nhiều người sai lầm và bảo thủ sự sai lầm rồi đem sai lầm đó gắn liền với đạo, nói tôi bảo vệ đạo pháp. Ðó lại càng khổ hơn. Không nên như vậy, chúng ta bất lực, chúng ta chỉ biết học để tiến mà thôi thì lúc nào chúng ta cũng có cơ hội tiến hoá, lúc nào chúng ta cũng có cơ hội thăng hoa. Cho nên những người tu phải biết điều này, phải thức giác và ăn năn, phải hối cải. Cho nên trong chùa cũng có kinh sám hối để cho mọi người đọc, trong nhà thờ cũng có kinh sám hối để cho mọi người đọc, để ăn năn. Tại sao họ phải đọc hằng ngày. Ðã nói rằng: “Khẩu khai thần khí tán” mà họ vẫn đọc hằng ngày là vì họ không có cái pháp. Ðó cũng là cái Pháp dẫn tiến họ, họ cũng sửa được tâm thức được tiến hóa. Còn nếu chúng ta là người thiền là chúng ta đã đầy dũng chí, trước khi chúng ta thiền, buộc chúng ta lập lại trật tự cho chính mình thì chúng ta phải cố gắng thường xuyên hơn, ngày cũng như đêm ý chí chúng ta phải dứt khoát, nhất định là phải giải thoát. Chúng ta mới thấy rõ cuộc đời giả tạm, cái dục tánh ở thế gian đã cho chúng ta thấy, Thượng Ðế đã cho chúng ta  mượn học cái dục ở thế gian mà chúng ta biết chuyển hướng thì cái dục nó đi lên thiên đàng. Dục tiến thiên đàng rõ rệt. Cho nên chúng ta vun bồi ý chí nhiều, hướng thượng. Cho nên tuổi trẻ nhiều người đã bị lầm ở trong cái dục mà tưởng đó là thiên đàng, đó là giải quyết được sinh lý sướng vô cùng nhưng mà kỳ thật đâu có gì. Các bạn đã làm rồi, các bạn đã nếm rồi, tất cả mọi sự việc các bạn đã thử nếm hết rồi thì các bạn thấy cái gì là giá trị? Những người đã bước qua cuộc đời thử thách đó mới thấy rõ giá trị của những cái tánh, bản chất tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục đó là Thượng Ðế đã ân ban làm bài học cho chúng ta và chúng ta phải giử cái đó hướng thượng về thanh thì cái phần eo hẹp không còn, cái phần dấu diếm không còn mà lại cởi mở thêm, chính lúc đó chúng ta mới thấy được Tâm Ðạo.

Cho nên người tu mà còn ôm ấp những cái chuyện kêu bằng không giá trị: Dấu người này, dấu người kia, dấu người nọ, rốt cuộc rồi cũng bị lộ. Cho nên chúng ta công khai, công khai mọi sự việc, tâm thức ta công khai, trung tim bộ đầu chúng ta công khai với cả Trời Phật. Nếu mà các bạn không công khai thì nó ở trong cố chấp và đem các bạn vào trong cố chấp. Cho nên chúng ta phải thầm tu thầm tiến, công khai nơi trung tim bộ đầu cho Trời Phật chứng minh hành động của chúng ta. Chúng ta thấy rằng: Trời Phật chứng tâm chứ không chứng cái ngoại cảnh, không chứng áo mão, không chứng lý luận sai lầm. Cho nên chúng ta phải vun bồi, sửa tâm khai thức mới được chứng. Mở rộng tâm thức của chúng ta, mở rộng phần hồn của chúng ta, càng ngày càng hoà tan cả càn khôn vũ trụ, hoà tan với ý chí của Thượng Ðế để giữ lấy vai trò vô cùng, gánh vác vô cùng mới là tiến hóa được. Cho nên nhiều người đã tưởng tới Chúa, đã tưởng tới Phật, tưởng đủ thứ nhưng mà không chịu gánh vác thì làm sao được. Ngược lại kêu Trời Phật phục vụ cho chúng ta thì chúng ta càng ngày càng yếu hèn mà không có tiến tới được. Cho nên cái tu Vô Vi nó khác, các bạn đã bước về giai đoạn: Ban đầu các bạn thấy thanh nhẹ mà sau này các bạn thấy nặng là chính các bạn đang đào đất, đào tới đó, thì trong đó các bạn có cục đá, là cục cứng đầu ngu muội của các bạn, các bạn phải đào nữa, rồi tới chất sắt, rồi tới chất này, chất khác, chất kia, chất nọ, các bạn cũng phải đào hết ra, để hiểu nguyên lý, mới tìm ra nguyên lai bổn tánh. Cho nên từ giai đoạn, huệ tâm, huệ cang, huệ phế, huệ thận, huệ tỳ nó phải mở, trong cái mở đó ai làm cho nó mở? Chính hành giả đào nó mới mở được. Nếu các bạn không hành làm sao các bạn thấy sự ngu muội của các bạn? Các bạn không hành làm sao các bạn thấy sự tủi nhục của các bạn. Ðó là các bạn đã hành. Các bạn là người đang bươi xới những tánh hư tật xấu để tìm cách giải tỏa tánh hư tật xấu, dẫn tiến tánh hư tật xấu đi tới sự toàn thiện, toàn hảo hơn. Ðó là Công Phu của chính bạn. “Cho nên mỗi ngày đêm chúng ta, không tu nhiều tu ít, phải tu, nhất định phải tu”. Vì 24 tiếng đồng hồ chúng ta chưa có cơ hội phục vụ cho chính mình. Cho nên một ngày chúng ta phải cố gắng giữ lấy ít nhất một tiếng đồng hồ để học và để thức tâm, rồi chúng ta đi đứng ngồi nằm chúng ta cũng thiền. Chúng ta nghĩ tới sự sai lầm của chính mình nó mới mở được, đừng nghĩ sự sai lầm của người khác, đừng thị phi chuyện này, chuyện nọ, nó không có ích gì cho chúng ta, nó chỉ tạo sự tăm tối cho chính mình mà thôi.

Cho nên nhiều người tu, được thanh nhẹ một phần, miệng chọt chẹt nói đủ thứ, nhưng mà không giúp ích cho mình, lại tạo sự tăm tối cho chung quanh. Cho nên chúng ta phải trở về với chính giác và hiểu sự sai lầm của chính mình nó mới tốt hơn. Nhiều người đã làm sai trong tình dục mà cố chấp trong sự tình dục. Làm sao giải toả được? Không biết đây là bài học của Thượng Ðế đã cho chúng ta, chúng ta nếm rồi chúng ta mới tiến tới, chúng ta mới giải thoát. Và không dòm rõ cảnh đời, đã cho chúng ta thấy rằng: Khi chúng ta ra đời chúng ta đâu có biết dục là cái gì! Nhưng mà tại sao lớn lên tôi phải dục? Tôi hoang mang trong dục và triền miên sống trong dục? Ðó là để chi? Tìm lối? Khi tôi biết hoà tan trong dục rồi tôi thấy đâu  có gì là giá trị. Sự mong muốn của các bạn biết là không có mà phải mong đợi. Cho nên cái đó là mọi người đã qua, tuổi dậy thì đòi hỏi, nhưng mà học hỏi rồi, chả có gì kêu bằng giá trị, cũng là điêu luyện cho các bạn thức tâm mà thôi.
Cho nên nhiều người nói rằng: Tôi trường chay diệt dục, nhưng mà trong tâm vẫn còn, các bạn nhìn nhận điều đó và chúng ta phải dùng ý chí NIỆM THƯỜNG NIỆM  VÔ BIỆT NIỆM niệm Phật cho nhiều, bởi vì dục nó cũng ở trong cái nguyên lý của lửa, của không khí, của nước, của phát triển, của sự hiểu biết sáng suốt và thức tâm. Ðó, cũng ở trong đó mà thôi. Cho nên cũng nằm ở trong nguyên lý NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT mà nếu chúng ta niệm, thường niệm nó sẽ mở. Vì chúng ta có cái này nó thay thế cái kia, thì cái phần đó bận rộn vì phần này, không bận rộn vì phần kia. Nó rất dễ nhưng mà nhiều người không làm, bị hạ giới nó lôi cuốn, bị trược khí nó lôi cuốn, rồi cho đó là tốt, cho đó là quí, rồi ôm lấy, mới trở nên cái tánh ác trược, trong cái hận thù, muốn ghét những người xung quanh, muốn dành riêng cho chúng ta hưởng thụ mà thôi. Cái đó là sai lầm, càng ngày càng vào trong cảnh eo hẹp. Trước kia các bạn chưa biết tình yêu, chưa biết tình dục, ngày nay các bạn mới biết tình yêu, biết tình dục, các bạn không có muốn ai đá động các bạn hết, các bạn muốn sống tư kỷ mà thôi, mà ai động đến các bạn, các bạn muốn chém, muốn giết. Ðó là sự eo hẹp vì chưa hiểu, chưa hiểu luật Trời, tất cả đồng nhất thể, tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục giống nhau chứ không có khác nhau. Cho nên khi chúng ta hiểu cái đó rồi, chúng ta thấy tất cả chúng sanh đã và đang học, chúng ta cũng đã và đang học! Rồi chúng ta mới học và mới tiến, không sao hết. Giữ bình tâm, nếu chúng ta chủ trị được, đem sự động loạn đó trở về hoà đồng sáng suốt thì chúng ta mới mong rằng có ngày đạt được sự quân bình là thành đạo.

Cho nên chúng ta lại có dịp hằng tuần để học, để tu, để luyện. Tại sao chúng ta lại không thích động loạn nữa? Vì chúng ta đã thức giác rồi. Con đường tu là con đường duy nhất. Dù làm tới ông tỷ phú, ông giàu đi nữa, rốt cuộc ông cũng phải đi, bỏ vợ ông ra đi. Vậy chúng ta có thế lực gì? Chúng ta có nhiều mong muốn lắm ư? Rốt cuộc chúng ta nghĩ lại chúng ta nhẹ hơn những người giàu có vì chúng ta không bị bận rộn vì ngoại vật, ngoại cảnh nhiều mà chúng ta trở về bận rộn với nội tâm trong chu trình tiến hoá sẵn có của chính mình, thì chúng ta sẽ phong phú và giàu có trong tâm linh, trước khi chúng ta có vật chất. Có vật chất, biết sử dụng vật chất mới là tỷ phú. Có vật chất không biết sử dụng vật chất là nghèo nàn. Hỏi tại sao có vật chất, biết sử dụng vật chất mới là tỷ phú? Là chúng ta sáng suốt chúng ta thấy rõ rồi, có sự sáng suốt mới tạo ra những vật hiền hoà trước mắt chúng ta, chúng ta biết đây là Thượng Ðế đã ân ban cho chúng ta, chúng ta lại phục vụ nâng niu nó, chuyển tiếp cho người khác, để cho mọi người hiểu rõ, đây là của Thượng Ðế, đây là sự thông minh đóng góp của loài người chứ không phải biến hoá cấp thời được, phải ngày giờ đòi hỏi mới có thành được. Chúng ta quí yêu vật chất cũng như quí yêu Thượng Ðế, quí yêu nhân loại. Còn nếu có tiền bạc, có vật chất mà không biết sử dụng, không có quán thông nguyên lai bổn tánh của mọi vật là con người nghèo nàn mà thôi. Vì sao? Vì tăm tối không thấy nhân quần đang sống với ta, không thấy sự phong phú đang xây dựng thể xác lẫn tâm linh cho chúng ta thì chúng ta là người nghèo nàn, người tham lam, so đo, có một muốn mười, tạo ra cái gì? Khổ. Khổ là nghiệp đó. Cho nên mọi người đều bị nghiệp chướng đòi hỏi là vì sự tăm tối. Cho nên chúng ta có sự giáo dục đầy đủ, từ ngoại cho đến nội cảnh rất rõ rệt. Nhưng mà người thế gian còn ỷ lại, tôi là học tôn giáo này, tôi là học của vị giáo chủ kia, ỷ lại nơi đó bị trì trệ làm sao tiến hóa?
Cho nên tôi thường nói các bạn, phải đem nhà thờ hằng tuần, hằng ngày, hằng giờ vào tâm các bạn, đem chùa chiền vào tâm các bạn, truy tầm lịch sử của những người thành đạo ở trong tâm các bạn và xây dựng tâm của các bạn trở nên những hành giã tuyệt diệu kế tiếp mới là đúng luật Trời. Cho nên chúng ta không đòi hỏi ngoại cảnh. Những người tu vô vi không đòi hỏi ngoại cảnh nhưng mà đòi hỏi sự thực hành để xây dựng tâm thức cho chính mình, nhiên hậu mới ảnh hưởng người khác, đó là căn bản của người tu vô vi. Cho nên hằng tuần các bạn vật lộn với đời, đụng chạm với đời rất nhiều, buồn tủi, sân si đủ thứ, nhưng mà rốt cuộc có ai gặt hái được gì đâu? Rồi trở về cũng nói tôi phải tu, rốt cuộc phải tu, phải ăn năn, phải hối cải. Chính tôi mà tạo ra cho đám người buồn bực, đó là tội của tôi. Mình càng thấy chung quanh mình mọi người không thích mình, chính mình chớ chẳng ai. Con đường đó là con đường đưa mình xuống địa ngục. Mà ở chung quanh mọi người nói mình làm điều đúng, con đường đó là con đường đưa các bạn lên thiên đàng. Chứng minh rất dễ dãi. Cho nên tánh tình không thay đổi là không được. Chúng ta phải bỏ tâm đời! Càng tu càng dứt khoát tâm đời, rồi càng tu càng bỏ tánh đời, tâm đời mà dứt khoát rồi thì chúng ta là Tiên tại trần chứ đi đâu bây giờ? Chờ Tiên tới cứu chúng ta, chờ Phật tới cứu chúng ta chăng? Mấy nghìn năm rồi Trời Phật đâu có xuống nói, ta cứu nhà ngươi, đưa nhà ngươi đi. Không! Ngươi phải đi. Vì chúng ta đã có toàn bộ, có toàn năng điều khiển tiểu thiên địa này. Có khối óc, có tâm linh, có thể xác, phương tiện để chúng ta học, tất cả phương tiện đầy đủ, không thiếu một phương tiện nào hết. Tại sao chúng ta còn trì trệ, còn lý luận trong sự chấp mê, còn đòi hỏi sự cung ứng của thể xác mà không biết xây dựng tâm linh tiến hóa. Vốn cuối cùng của chúng ta là thanh tịnh và sáng suốt mà không biết làm, không biết đào thải sự ô trược làm cho chúng ta có sự sáng suốt, vẫn ở trong mê chấp. Lý luận giữa bạn đạo với bạn đạo cũng có sự tranh chấp ở trong tâm thức, nó xuất hiện tức khắc nhưng mà không hay. Thiếu hòa đồng thiếu sáng suốt. Ðó là ngu muội. Chứ đừng tưởng rằng sự suy gẫm của chúng ta là đúng. Không có đúng đâu! Ðể tự nhiên nó mở ra, rồi các bạn sẽ sống trong cảnh hồn nhiên, các bạn mới ở trong hòa đồng, khai thác những cái gì quí báu của Trời Ðất đã ân ban. Từ thanh quang điển lành, những sự sáng suốt, nếu các bạn không thả lỏng tâm hồn thì làm sao các bạn hưởng được thanh quang điển lành? Ðó là phần nhẹ. Các bạn dòm thấy ở đời, khinh khí cầu nó nhẹ mới được hút đi lên. Còn nếu mà nặng trược cột thêm cục đá thì nó không đi được. Thấy rõ chưa? Nặng trược thì chìm xuống mà thanh nhẹ thì nó bay bỗng lên! Cho nên chúng ta phải bỏ tâm đời, bỏ tánh đời để tiến tới quân bình tâm đạo, thì thần tiên tại thế chứ có gì đâu mà phải lo. Có chút xíu đó thôi nhưng mà rất khổ, trở về gia đình thì các bạn thấy rằng: bao nhiêu chuyện phải lo âu, bao nhiêu chuyện động loạn, mà các bạn bình tâm niệm Phật một chút thì các bạn thấy rõ: ồn ồn ào ào rồi đâu cũng vào đấy. Bao nhiêu lần thiếu thốn, bao nhiêu lần động loạn, bao nhiêu lần đau khổ, rồi chúng ta cũng vẫn qua, sao lạ vậy? Thấy không qua được nhưng vẫn qua, tại sao? Chúng ta mới nhìn nhận có Bề Trên, có sự thanh nhẹ đang chiếu hóa cho chúng ta, chúng ta phải mở tâm mở tánh càng ngày càng thanh nhẹ hơn, chúng ta mới đón rước được điều đó. Hồn chúng ta không mở không đón rước được sự sáng suốt của đại hồn. Cho nên chúng ta phải mở mới đón được sự sáng suốt của đại hồn. Bất cứ tôn giáo nào ở thế gian nếu không thực hành trong tâm thì chỉ làm hình thức bên ngoài, rồi gặt hái sự bực tức mà thôi!

Nói tại sao tôi đi nhà thờ nhiều mà tôi cũng gặp nạn? Tôi đi chùa nhiều tôi cũng gặp nạn? Tôi lạy Phật hoài mà tôi vẫn gặp nạn? Nhưng mà vì nó chưa hiểu chơn lý, nó chưa hiểu nạn là cứu nó, nạn là đưa cho nó càng ngày càng có dũng chí hơn, để khai thác khối óc sáng tạo của chính nó để nó tiến hoá, cho nên nhiều người thế gian chưa hiểu. Cho nên đức Phật, kinh Phật, Phật giáo, giáo lý cũng nói rõ: Lấy oán làm ân. Ðó, chúng ta mới tiến.
Người nghịch chúng ta là người đến cứu chúng ta. Vì chúng ta bị nghịch, chúng ta bị đau đớn, chúng ta mới xét đủ mọi phương diện, thì rốt cuộc chúng ta mới thấy sự sai lầm của chính mình, mới sửa tâm tiến tới, thì không còn sự vọng động nữa, không còn sự khổ tâm nữa. Nhiều người đã buồn bực vào chùa tu mới thấy rõ xa vắng gia đình, rồi mới biết thương yêu những người gia đình. Nhiều người tù tội trong khám nhớ người gia đình, thấy những người trong gia đình đã vì chúng ta rất nhiều mà sao tôi chưa vì mọi người.
Cho nên cái chuyện đó, lần lượt các bạn sẽ thấy: các bạn là một tội nhơn tại thế, là các bạn vẫn ở tù như những người ở trong khám. Hồn các bạn bị giam hãm trong tiểu thiên địa này, bực bội, buồn tủi đủ thứ. Ðó là bị giam hãm. Cho nên phải cố gắng để vượt qua những sự tối tăm đó, nhiên hậu chúng ta mới hưởng sự xán lạn ở bên trên đang chiếu cố và ban cho chúng ta một tâm thức để tiến một cách du dương và dễ dãi hơn. Chỉ có học Nhẫn học Hoà, chỉ có bao nhiêu đó thôi. Nhưng mà người thế gian, nói tới Nhẫn nói tới Hoà thoát ra đôi môi rất dễ nhưng mà tâm chưa chịu nhẫn, tâm chưa chịu hòa, thì chúng ta thiếu thông minh rõ ràng. Mà chúng ta thực hành được Nhẫn Hòa là chúng ta lúc nào cũng quân bình và vui với mọi trạng thái. Bất cứ một hành động nào đưa đến thì chúng ta cũng thấy hòa ái tương thân, đang xây dựng tôi, đang nâng niu tôi, không có bỏ phế tôi. Thấy rõ như vậy thì chúng ta mới vui, chúng ta mới thấy hạnh phúc. Chúng ta tin nơi Trời Phật, chúng ta đâu có gì mà phải sợ mất, có người nói trời ơi mất, động chạm tới tôi quá nhưng mà chúng ta có gì mà cho người ta đập. Nếu các bạn biết rằng các bạn giáng lâm với một thanh quang, với một luồng điển của Trời Phật ân ban, là một tiểu linh quang đó không kéo cắt được, không ai xô đuổi nó được chỉ nó tự tắt mà thôi, và rồi nó tự mở trở lộn lại. Cho nên Trời Phật đã cho chúng ta thấy có sức hồi sinh, xuống địa ngục vẫn ăn năn và nói lại cho người thế gian biết rằng tôi đã làm sai điều này sai điều kia, sai điều nọ, khuyên nhân gian không nên sai, không nên tạo sự tăm tối cho chính mình và không nên đọa đầy mình thái quá, phải sửa mình để tiến hoá không nên đọa đầy ta nhiều quá.
Cho nên nhiều người tưởng là có tiền có bạc là sung sướng, chính người đã đọa đầy người rất nhiều. Dù mọi mặt lôi cuốn người, vì tiền của, vì địa vị, phân tán tâm thức, đâm ra thiếu sáng suốt. Của cải thì nhiều nhưng mà thiếu sáng suốt hể bệnh lên thì ai chỉ gì nghe nấy, rồi đâm ra điên cuồng, ở thế gian có, các bạn đã thấy.

Cho nên chúng ta may mắn được tu cái pháp này và chúng ta biết ngồi Thiền, chấp nhận ngồi Thiền để học nhẫn học hòa, để lập lại trật tự cho chính mình, đó là điều quí báu vô cùng, Thượng Ðế rất mong muốn các con Ngài phải bình tâm hưởng lấy cái gì của Ngài đã chuyển hóa, siêu văn minh đã và đang sắp đặt cho chúng sanh tiến hóa mà người đời chưa biết cái gì kêu bằng siêu. Nội chữ “SIÊU” không chưa hiểu, chỉ biết văn minh là tôi có cái radio đẹp, thâu băng hay như thế này, đó là văn minh mà thôi, chứ chưa biết chữ “Văn minh,”  sống cảnh văn minh chưa biết văn minh.
Văn minh là gì? Văn minh là sự quân bình, sau sự động loạn mới phát minh ra được việc này, việc kia, việc nọ. Không có sự động loạn, kích động và phản động dày xéo, chúng ta đâu có lý luận một đường lối để mở tâm mở trí, khai hóa khoa học hiện tại và đạt đến quân bình một phần của vật chất mà thôi chứ chưa toàn diện, vẫn còn đang tìm kiếm, đang tiến hóa.

Cho nên các bạn thấy chúng ta tu, cũng có một phần mà thôi đang học đang tu. Tôi chưa biết bốn chữ Hòa Ái Tương Thân, bốn chữ hòa ái tương thân đó mà chưa hiểu, lấy cái gì hòa ái? Tôi hòa, tôi mới thương. Khi mà tôi hòa người ta thì tôi thấy không có bận rộn, tôi là người thương tôi. Và tương thân là khi tôi biết thương tôi thì tôi biết người khác là tôi, kêu bằng Hòa Ái Tương Thân. Còn các bạn thiếu chữ hòa, gặp nhau các bạn buồn bực, rồi làm sao các bạn biết thương bạn? Bạn tạo bệnh cho bạn mà thôi. Bệnh do tánh sanh là vậy! Cho nên chúng ta không nên tạo bệnh cho chính chúng ta và chúng ta nên cứu rỗi, chúng ta là người đang mang bệnh nan y. Tâm hay buồn tủi, nhớ nhung, động loạn. Ðó là một cái bệnh, chớ không phải cái phước đâu. Không phải hiền đâu. Bạn nhớ nhung điều này, điều kia, điều nọ, nhưng mà không được, thì bực tức, thì trở nên ác. Dâm dục cũng vậy, dâm dục kỳ này được, kỳ khác không được thì trở nên lập thế, rồi tái phạm những sai lầm đó, rồi con người trở nên ác chớ không phải người hiền. Cho nên chứng minh cho chúng ta thấy rằng: Những tầng số đi lên và những tầng số đi xuống rất rõ rệt.
Cho nên những người tu bị hạ tầng công tác mà không hay. Nội tình dục không, nếu các bạn lo tu, yên ổn, không đá động tới thì nó không có đòi hỏi. Mà các bạn đá động, nó càng đòi hỏi và nó càng lôi cuốn. Nó làm cho địa lục thể xác các bạn càng ngày càng yếu và tâm hồn các bạn càng ngày càng suy lụy thì các bạn đi đâu? Xuống dưới sức hút của ngũ hành là địa ngục chứ đâu nữa!

Cho nên chúng ta càng ngày càng thấy rõ, càng ngày càng tu càng thấy rõ sự sai lầm, càng thấy rõ sự trì trệ. Chúng ta phải khai thác nó, chúng ta là người chủ trị và ta là người trách nhiệm, sự sáng suốt của chúng ta phải cương quyết vạch ra một con đường như vậy không thay đổi nữa thì chúng ta mới mong một ngày nào chúng ta đạt được sáng suốt, các bạn hoàn toàn bị sai lầm. Dù các bạn tu đến cấp bậc nào cũng phải khép mình mà nói rằng: Ta là nhỏ nhất, chưa hiểu gì phải học. Chúng sanh là thầy của chúng ta, mọi sự kích động và phản động là Thượng Ðế đang giáo dục chúng ta, chúng ta phải chấp nhận để học. Học bài thì phải trả bài, chứ không phải học rồi thôi, học rồi tôi phản. Cái đó không nên. Học là phải trả, phải thuận để học mở tâm mở trí, chúng ta mới tiếp tục cứu giúp người khác được, kêu bằng trả bài. Cho nên nhiều người mới học sơ sơ, rồi nói tôi sáng suốt được gần ông này, được gần ông kia, được gần ông nọ, tôi là đắc đạo. Tôi biết ông Thượng Ðế bao nhiêu năm rồi, tôi là hay hơn người phàm nhưng mà rốt cuộc lâm nạn các bạn ơi. Cái câu nói đó là câu nói lâm nạn và đưa các bạn xuống âm phủ, không có bao giờ tiến được!

 Các bạn đi truy tầm chơn lý không ngừng nghỉ đó là các bạn mới là người giải thoát, ý chí đó mới là ý chí của Thượng Ðế, chính các bạn cũng là Thượng Ðế trong tiểu thiên địa, bạn phải dùng ý chí đó, phải khai mở vạn linh đang hợp tác trong tiểu thiên địa. Cho nên đừng nên cống cao ngạo mạn thì bước vào tầng số tăm tối mà thôi. Nhiều người, người thiền được không muốn nói chuyện đời, tưởng mình đã minh, nhưng mà chưa. Qua cơn thử thách rồi mình cũng ngã nghiêng như thường.

Cho nên chúng ta phải làm sao mở được thức HÒA ÐỒNG mới học được cái cơ qui nhất của Thượng Ðế. Cho nên mỗi mỗi chúng ta mỗi đêm tu. Mỗi buổi sáng mở mắt, chúng ta thấy nghịch cảnh, nhiều người thấy ghét, giận người này, ghét người kia, ghét người nọ, nhưng mà cái đó cũng đại phước rồi. Thấy cái tánh tình mình, ghen ghét của mình xấu xí thì cái đại nguyện chúng ta phải làm sao để sửa, giải tán những cái tâm thức đó, đem lại sự sáng suốt để đóng góp cho  chúng sanh ở tương lai.

Sửa mình! Mà sửa mình bằng cách nào? Cho đúng mới mở, mà giữ lấy không bao giờ mở được. Ðụng chạm đi nó mới mở không sao! Kỳ này chúng ta thua lỗ chúng ta bị khóc, bị bực tức, nhưng mà rồi chúng ta mở. Mà không nhờ cái đó làm sao chúng ta mở? Cho nên chúng ta ở trong cái cảnh đời này rất vinh hạnh để tu học, một trường dạy đạo rất tinh vi, từ mọi trạng thái chứ không phải dạy các bạn một góc, ăn cũng dạy các bạn, các bạn ăn một hạt gạo, ăn chén cơm mà các bạn ý thức rằng: Thượng Ðế đang luân lưu trong miệng các bạn, cơ tạng các bạn, máu huyết các bạn, tâm linh các bạn, để xây dựng cho các bạn, thì các bạn mới thấy thanh quang của Thượng Ðế đã ân chiếu cho các bạn từ giờ phút khắc, ăn uống cũng vậy. Các bạn uống nước đó là uống điển Trời, thủy điện tương giao chứ không phải là chuyện chơi nhưng mà mấy ai hiểu được. TU tới trình độ thanh tịnh mới thấy đó, thấy giá trị của Thượng Ðế đã ân ban, chúng ta không dám phung phí một giọt nước của Thượng Ðế, chúng ta thấy rằng đây là bài học. Tới lúc tắm rửa các bạn, các bạn cũng thấy đây là bài học chứ không phải là lấy nước phung phí rồi để các bạn sạch sẽ đâu. Không có sạch sẽ. Bao người sạch sẽ? Nếu sạch sẽ tắm một lần, chứ tại sao mỗi ngày tắm mấy lần? Mà vẫn còn dơ bẩn, vẫn còn tăm tối chưa thức. Cho nên khi chúng ta thức rồi thì một lần cũng sạch chứ không phải nhiều lần. Cho nên mỗi người tu về vô vi và được may mắn hiểu tới ÐIỂN GIỚI, đây tôi cũng gia thêm một phần nào để cho các bạn hiểu. Thượng Ðế đang dạy các bạn trong lúc tắm, trong lúc ăn, trong lúc ngủ, trong lúc đàm đạo, chứ không phải Thượng Ðế xa các bạn. Các bạn đừng hiểu lầm là Thượng Ðế xa các bạn, không có ngoài các bạn đâu. Ngài đang chung sống với các bạn đây mà các bạn chưa hiểu. Cố gắng, cố gắng vào trong, cố gắng giữ lấy thanh tịnh để hưởng trọn niềm tin vào hồng ân của ngày Thiền của chúng ta.
Tôi không biết nói gì hơn là có bao nhiêu kinh nghiệm trong sự sáng suốt đóng góp cho các bạn, ước mong các bạn giữ tâm thanh tịnh để lo tiếp tục tu học. Rồi tuần tới chúng ta gặt hái được gì chúng ta sẽ đóng góp trong chu trình tiến hoá.
Thành thật cám ơn sự hiện diện của các bạn ngày hôm nay./

Manila 27/3/1983

Lương Sĩ hằng